
Corsair Frame 4000D là phiên bản nâng cấp của phiên bản 4000D với một số điểm mới như cạnh bên được lắp thêm một tấm lưới tản, phần khung cũng mang một ngôn ngữ thiết kế mới mẻ hơn.
Xem thêm:
- Đánh giá Xiaomi Smart Band 9 Active: Vẫn đẹp và vẫn ngon, phù hợp với nhiều đối tượng người dùng
- Trải nghiệm bộ đôi Corsair Nautilus 360 RS và Corsair RX120 RGB MAX Triple
Phiên bản mình trải nghiệm lần này là bản màu đen – không quạt và Frame 4000D vẫn còn 2 phiên bản nữa là phiên bản có quạt và phiên bản quạt ARGB. Phụ kiện đi kèm cũng khá nhiều thứ như: dây rút, vít các loại, khung gắn quạt cho khu vực hút gió bên hông, giá đỡ GPU và kẹt nhựa để chuyển đổi giữa kích thước quạt tản nhiệt.
Thiết kế bên ngoài
Nhìn chung, diện mạo bên ngoài của Frame 4000D vẫn có những nét tương đồng với dòng 4000D nhưng Corsair đã thực sự tinh chỉnh lại rất nhiều chi tiết nhỏ ở các mặt để tạo nên sạc khác biệt.
Phần mặt trước là một hệ thống lỗ thông gió lớn với khu vực kết nối IO bên dưới bao gồm cổng 1 USB-C và 2 cổng USB-A, bện cạnh đó là một nút nguồn khá lạ mắt. Ngoài ra, những lỗ thông gió ở mặt trước làm mình liên tưởng đến “cheese grater” trên Apple Mac Pro, nhưng theo phong cách độc đáo của Corsair. Điều đó khá thú vị làm tăng thêm chiều sâu làm nó khác biệt hơn những những mặt phẳng thông thường.
Để tránh cho máy bị bụi bẩn đi vào bên trong, Corsair đã rất cẩn thận khi trang bị thêm một lớp lưới từ tính để có thể giữ bụi mịn và cặn bẩn. Phía sau đó sẽ là hệ thống ray có thể điều chỉnh cho ba kích thước quạt 120mm, 140mm và thậm chí là 200mm. Corsair gọi đây là hệ thống Infinirail, hệ thống ray này được giới thiệu lần đầu trên 9000D. Hệ thống ray trên 4000D được làm đơn giản hơn nhưng chúng vẫn đảm bảo được tính linh hoạt tương tự.
Ở mặt sau nhìn khá truyền thống nhưng điểm nổi bật là phần vít cố định người dùng có thể vặn bằng tay, điểm này mình thấy khá hay. Khoang PSU được Corsair trang bị sẳn hai vít cố định, nếu muốn thì người dùng có thể lắp thêm vít để đảm bảo an toàn cho PSU của mình. Bên trên đó sẽ có 7 khe cắm mở rộng và đặt biết chúng có thể xoay được. Bạn chỉ cần tháo vít ra và xoay tấm chắn theo 90 độ, cách làm này đã có từ trước nhưng theo mình thấy cách làm của Corsair là dễ nhất và đơn giản nhất. Không cần công cụ thay thế nào và không cần bắt thêm ốc vít.
Cạnh trái của Frame 4000D được chia làm hai phần là kính và một phần như tấm thông gió. Tuy nhiên, ở mặt trong còn có một lớp phủ màu trắng bán trong suốt. Corsair còn tặng kèm thêm một tấm phủ màu đen nữa. Tuy nhiên, mình thấy thích lớp phủ màu trắng hơn vì nó khá lạ mắt.
Phần mặt trên cũng là nơi lắp quạt thông gió hoặc tản nhiệt AIO, Frame 4000D vẫn giữ thiết kế cũ với phần dây cao su ở mặt sau để giúp người dùng dễ dàng kéo phần nắp trên ra khỏi phần khung. Cũng giống như ở mặt trước, mặt trên cũng có hệ thống Infinirail được thiết kế với một thanh ray có thể di chuyển. Nhưng mình thích kiểu thiết kế ray này hơn so với phần ray ở mặt trước.
Bên trong có gì?
Bố cục bên trong của Frame 4000D nhìn chung khá truyền thống. Phần cáp đi kèm bên trong được bọc khá chắc chắn và đi kèm với một giá đỡ GPU cho các loại GPU có kích thước lớn.
Không gian bên trong một trong những nâng cấp đáng kể của Frame 4000D so với bản tiền nhiệm. Frame 4000D được trang bị để phù hợp với nhiều loại PC hiện đại. Người dùng có thể sử dụng bo mạch chủ từ Mini-ITX cho đến E-ATX. Bên cạnh đó Corsair Frame 4000D cũng thiết kế các đường cắt để người dùng có thể sử dụng các bo mạch chủ có kết nối ngược. Bên cạnh đó hãng cũng đã trang bị một số dãi Velcro được bố trí theo “chiến lược” để người dùng có thể quản lý hệ thống dây một cách gọn nhất.
Ở sau bo mạch chủ là bạn sẽ thấy một khay chứa HDD với kích thước là 2.5inch hoặc 3.5inch và bên dưới khu vực đặt PSU cũng sẽ có một khay tương tự. Nếu người dùng sử dụng HDD 2.5inch thì có thể sẽ đặt iCUE Link vào vị trí bên cạnh nhưng với HDD 3.5″ thì không.
Trải nghiệm lắp đặt
Khay bo mạch chủ có thể tháo rời nên mình có thể tận dụng điều đó để lắp bo mạch chủ bên ngoài rồi mới đặt vào bên trong khung của case. Ở đây mình sử dụng bo mạch chủ MSI B450M Pro đã khá cũ nên dây nhợ đi cần phải tính toán nhiều hơn so với bo mạch chủ có kết nối ngược.
Để lắp quạt ở mặt trước, người dùng cần phải kẹp các miếng nhựa vào thành ray. Sau đó mình có thể điều chỉnh sao cho phù hợp với vị trí của quạt tản nhiệt. Với ba quạt 120 mm, có thể không có nhiều không gian di chuyển nhưng nếu bạn chọn hai quạt 140 mm, bạn sẽ có nhiều không gian để điều chỉnh chiều cao của vị trí đặt quạt.
Về vị trí đặt GPU, người dùng có thể yên tâm khi không gian bên trong rất rộng có thể đặt được những chiếc GPU to bự như RTX 5070 Ti. Ở đây mình vẫn sử dụng chiếc card thân quen của mình là ASRock 6600 XT Challenger Pro và mình sẽ đặt theo dạng đứng. Vì đặt theo dạng đứng sẽ phần nào che đi được khuyết điểm về dây ở phía sau.
Mình sẽ đặt một ổ HDD 2.5″ ở mặt sau và bên cạnh là một iCUE Link, khay còn lại thì mình sẽ đặt ổ cứng 3.5″. Mình chỉ cần đặt vít vào đúng vị trí của nó và xoay thế là xong. Việc đặt PSU cũng vậy, bạn chỉ cần đặt PSU vào đúng vị trí và xoay vít.
Mình sẽ sử dụng tản nhiệt AIO Corsair iCUE Link H150i RGB với kích thước là 360mm và đặt chúng ở phần cạnh trên. Hệ thống Infinirail ở cạnh trên sẽ có một thanh cố định và một thanh có thể di chuyển. Như vậy mình phải điều chỉnh 1 thanh vào vị trí 120mm để đúng với vị trí của tản nhiệt. Như vậy mọi thứ cũng đã hoàn thành rồi!
Tổng kết
Corsair Frame 4000D có giá khoảng 2 triệu đồng, mức giá này mình thấy khả ổn về tính chất sản phẩm, về mặt thương hiệu. Trước đây, phiên bản 4000D cũng được người dùng sử dụng nhiều nên vì lý do đó hãng cũng đã hồi sinh dòng case này với phiên bản Frame 4000D. Chúng có đủ không gian để chứa các dòng card đồ họa lớn, có thể sử dụng được tản nhiệt 360mm và quạt 120mm. Hệ thống Infinirail làm mình khá ấn tượng với khả năng tùy biến cao và các khe cắm PCI-E có thể xoay.
Về khuyết điểm thì mình thấy chúng gần như không có khuyết điểm nào cả. Có một số bài viết cho rằng việc di chuyển khu vực kết nối IO xuống bên dưới sẽ khiến họ gặp trở ngại trong quá trình làm việc chẳng hạn như việc mở máy hoặc kết nối với các thiết bị bên ngoài khi chúng không được đặt trên bàn. Tuy nhiên theo các nhân mình thì điều đó không phải là vấn đề quá lớn vì trong suốt quá trình sử dụng việc kết nối các thiết bị bên ngoài có thể diễn ra nhưng sẽ không thường xuyên. .